Cổng thông tin điện tử Trường PTDTBTTHCS Na Son

https://ptdtbtthcsnason.pgddienbiendong.edu.vn


Nâng cao nhận thức về thói quen ăn quà vặt cho HS trường PTDTBT TH và THCS Na son

Học sinh xđi xem tivi không ăn quà
Trong những năm trở lại đây, hiện tượng ăn quà vặt đã trở thành một vấn đề nhức nhối được mọi người quan tâm. Ban đầu, chỉ là một vài trường hợp nhỏ, sau này đã lan rộng ra hầu khắp các bạn học sinh và trở thành thói quen xấu nơi môi trường sư phạm.
Các loại đồ ăn, thức uống bày bán xung quanh khu vực cổng trường học phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền. Tuy nhiên, phần nhiều trong số này không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng…Với học sinh, những đồ ăn đầy màu sắc, kích thích vị giác khó bỏ qua, song chúng tiềm ẩn nhiều bệnh tật, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, thể chất, tâm lý của trẻ. Đã đến lúc cần cảnh báo mạnh mẽ về tác hại của những thứ đồ ăn vặt độc hại này. Khi ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, gây hại cho sức khỏe lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Những cách lựa chọn các loại thực phẩm đảm bảo VSATTP.
Qua khảo sát các trang báo điện tử, mạng xã hội và các tài liệu liên quan, người ta đưa ra nhiều cách lựa chọn khác nhau trên những quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung, em tổng hợp cơ bản một số cách lựa chọn sau:
a) Dựa vào màu sắc: Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao.
 
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc tác hại rất lớn đến sức khỏe
b) Dựa vào thông tin và hình dạng trên bao bì: Với những loại thực phẩm được đóng gói sẵn, phải kiểm tra sản phẩm bên trong có còn nguyên vẹn hay không. Nhãn mác phải thể hiện đúng thông tin của sản phẩm, nhà sản xuất, ngày sản xuất, lô sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thành phần cấu tạo chính của sản phẩm và đặc biệt phải có ngày sản xuất và ngày hết hạn. Chỉ nên chọn những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và còn hạn sử dụng.
Còn đối với các sản phẩm chế biến sẵn nên chú ý nên thành phần phụ gia và các chất bảo quản sử dụng để bảo vệ sức khỏe gia đình được an toàn nhất. Bên cạnh đó đối với những thành viên trong gia đình bị dị ứng với một số chất thì cần phải nghiên cứu thật kỹ thành phần của sản phẩm.
Đồ uống nên chọn loại hai nắp hộp bị lõm vào, gõ có tiếng kêu đanh. Không chọn và sử dụng các loại sản phẩm đóng hộp nếu có các hiện tượng sau:
- Hộp bị phồng ra ở nắp hoặc các vị trí khác, nếu có hiện tượng đó thì sản phẩm bên trong đã bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí.
- Bao gói đồ hộp bị hở hoặc rò rỉ, bị móp hoặc biến dạng do va đập mạnh.
- Đồ hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm.
Xúc xích không có phụ đề Tiếng Việt, không rõ nguồn gốc
Cách sơ cứu và xử lí khi ngộ độc thực phẩm.
Khi nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, ta cần bình tĩnh và áp dụng các biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe. Một số biện pháp sơ cứu, xử trí như:
- Gây nôn: chỉ định trong trường hợp người bệnh vẫn còn tỉnh táo, mới uống, ăn phải chất độc và chưa có triệu chứng ngộ độc. Chống chỉ định khi người bệnh lờ đờ, hôn mê, co giật, khó thở, v…v…Gây nôn bằng cách uống 100 – 200 ml nước sạch rồi dùng tăm bông hoặc hai ngón tay đã rửa sạch ngoáy vào cuống lưỡi, cổ họng.
- Người bệnh nếu nôn ói, tiêu chảy nhiều có thể bị mất nước, điện giải thì cần được bù nước, điện giải. Nếu người bệnh có khả năng uống được thì bù nước bằng dung dịch oresol. Nếu sử dụng dung dịch oresol bù nước thì người bệnh hoặc người nhà cần đọc kỹ hướng dẫn pha nước đúng liều lượng, nên pha với nước đun sôi để nguội và sử dụng dung dịch vừa pha trong vòng 24 giờ. Các đồ uống thay thế khác như nước khoáng, nước hoa quả, nước cháo, nước canh.
- Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì cần được đặt nằm nghiêng an toàn sang một bên và không cho bất cứ vật gì vào miệng người bệnh.
- Nhanh chóng gọi cấp cứu theo số máy 115 hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, người hỗ trợ cần lưu lại mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, kể cả chất nôn, chất thải ra từ người bệnh để giúp xác định nguyên nhân gây ngộ độc.
Hậu quả của việc ăn quà vặt không rõ nguồn gốc.
Các món quà vặt ngoài cổng trường gần như không kiểm soát được các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Việc sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp có thể khiến trẻ mắc các bệnh mãn tính về gan, thận, thần kinh và gây ung thư.
Ăn quà vặt không chỉ gây ra những ca ngộ độc cấp tính mà các loại thức ăn nhanh không rõ nguồn gốc, bụi bẩn, cách chế biến không đúng cách của người bán… nếu sử dụng lâu dài còn có thể gây ra những nguy cơ về bệnh mãn tính, gây tổn thất về kinh tế gia đình và xã hội....
Bên canh đó, hiện nay các đối tượng tội phạm về ma tuý hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đa dạng các hình thức buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Trên thị trường gần đây xuất hiện 2 dạng ma túy “núp bóng” được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc… với màu sắc sặc sỡ, hình thức bắt mắt gây ảo giác mạnh, thậm chí tử vong nếu sử dụng quá liều.
Những ảnh hưởng của thói quen ăn quà vặt đối với môi trường.
Mỗi sáng tại cổng trường, hình ảnh các bạn học sinh mua đồ ăn sáng và quà ăn vặt mang đến trường là không còn xa lạ. Việc ăn quà vặt trước hết gây mất mĩ quan trường học, khiến cho hình ảnh các bạn học sinh trở nên xấu xí, bên cạnh đó, nó cũng tạo ra thói quen xấu cho các bạn, làm giảm tính văn minh trong xã hội.
Vấn đề ăn quà vặt nhưng không có ý thức bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi ra lớp học, sân trường. Thậm chí, những món quà ăn vặt đó còn không rõ xuất xứ, nguồn gốc, vô cùng mất vệ sinh. Thói quen xả rác sau khi ăn quà vặt gây ô nhiễm môi trường và làm suy yếu sức kháng của hệ sinh thái.
Hậu quả của việc xả rác bừa bãi để lại cho các bạn học sinh là vô cùng to lớn: Đầu tiên, rác thải bị xả ra môi trường ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người. Bên cạnh đó, việc xả rác gây lỗ hổng trong nhận thức và hành động của các bạn học sinh, từ đó gây nên một thói quen xấu cho thế hệ tương lai. Ngoài ra, việc xả rác bừa bãi sẽ gây khó khăn trong việc thu gom và xử lý chúng của các cô chú công nhân.
 
Hình ảnh vứt rác bừa bãi của HS
Đề xuất các giải pháp hạn chế tình trạng ăn quà vặt và ngộ độc thực phẩm cho học sinh.
Đối với gia đình
- Cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các thành viên trong gia đình trong việc quản lý, bảo vệ và giám sát con cái.
- Nhắc nhở các con không ăn quà vặt, nhất là uống nước giải khát do những của hàng bán rong trước cổng trường. Các bậc cha mẹ không cho con tiền tiêu vặt cũng là biện pháp phòng chống cần thiết để con em mình không bị nhiễm khuẩn qua những đồ ăn thức uống không bảo đảm vệ sinh.
- Luôn luôn căn dặn, giáo dục con em khi ăn phải thực phẩm không an toàn dẫn đến ngộ độc thực phẩm phải báo cáo với nhà trường, gia đình và đến trạm y tế gần nhất. 
Đối với nhà trường
- Thông qua sinh hoạt 15 phút đầu giờ, các buổi sinh hoạt lớp, các tiết ngoại khóa giáo dục, tuyên truyền cho các bạn học sinh thấy tác hại của một số thực phẩm không rõ nguồn gốc và mất VSATTP.
- Nhà trường cần tổ chức nhiều diễn đàn, nhiều cuộc thi, hội thi tìm hiểu, tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Thông qua đó, vừa giúp các bạn học sinh trong trường có những kiến thức và các kĩ năng phòng tránh ngộ độc thực phẩm; đồng thời, phát động phong trào xây dựng môi trường học tập an toàn và lành mạnh.
- Trong quá trình lên lớp, thông qua các môn học như Giáo dục công dân,  Sinh học,... và nhiều bộ môn khác, các thầy cô cần cung cấp cho các em kiến thức về cách nhận biết tác hại của các loại đồ ăn, thức uống không đảm bảo VSATTP, cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm.
- Thầy cô, nhà trường nên phối hợp và đưa ra nội quy cũng như chế tài xử phạt một cách thích đáng, có tính răn đe. 
- Tăng cường giám sát của đội sao đỏ của nhà trường để phát hiện và xử lí kịp thời những học sinh ăn quà vặt, vứt rác bừa bài.
 

Tiết học KHTN có nội dung về ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Trường xanh sạch đẹp.  Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
 
Các bạn đến quán để xem nhờ ti vi không ăn quà vặt.
Hi vọng các em sẽ thay đổi suy nghĩ và hành vi ăn quà vặt trong lớp. Hãy để trường học là nơi để học tập và nuôi dưỡng ước mơ. Chỉ khi các bạn có được nhận thức đúng đắn, chúng ta mới có thể hình thành thói quen tốt và thiết lập được môi trường giáo dục lành mạnh, tốt đẹp. Mỗi chúng ta hãy thay đổi chính mình ngay từ ngày hôm nay!

Tác giả bài viết: Giáo viên: Vũ Thị Huyền, Tổ KHTN

Nguồn tin: Trường PDTBT TH&THCS Na Son

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây